Giữ gìn bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ tại xã Khánh Hồng
Giữ gìn bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ tại xã Khánh Hồng  Khánh Hồng, Ngày 06/07/2024

      Vài năm gần đây, khi nghề thủ công mỹ nghệ làm bằng cói đã dần bão hòa, các chủ doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới cho mình tại các thị trường châu Âu, châu á với các sản phẩm làm từ bèo bồng, do chất lượng bền, đẹp và đặc biệt thân thiện với môi trường. Cũng từ đó, nghề đan bèo bồng song hành phát triển cùng nghề đan hàng cói và đang có xu hướng phát triển ổn định và bền vững hơn.

anh tin bai

Nghề đan bèo bồng được nhiều người dân xã Khánh Hồng (Yên Khánh) gắn bó nhiều năm nay.

Tranh thủ cái nắng của mùa hè, bà Phạm Thị Cúc, xóm Bình Hòa, xã Khánh Hồng (Yên Khánh) lại rải đều những bó bèo bồng (còn gọi là bèo tây, bèo lục bình) để các thân bèo được nắng hút nước héo quắt lại, khô mềm tay, kịp đan những sản phẩm đã được giao. Bà Cúc năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vốn là người nhà nông quen việc nên bà rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Không chỉ đan những sản phẩm bằng bèo bồng thoăn thoắt, tranh thủ trưa, chiều, những ngày đi làm đồng, gặp những đám bèo tây đủ tuổi, có độ dài phù hợp, bà lại cắt đem về phơi khô, dự trữ đan dần. "Nghề đan bèo bồng đã phát triển nhiều năm nay ở làng tôi, trước đây chúng tôi chỉ làm vào những lúc nông nhàn, coi như một nghề phụ. Nhưng rồi, với sự phát triển và tăng dần về giá trị thu nhập, chúng tôi tranh thủ làm cả những lúc không rảnh rỗi, chẳng kể sớm, tối, ngày mùa, tranh thủ lúc nào có thời gian là làm lúc đó. Thu nhập từ nghề mang lại ổn định, vài ba triệu đồng/tháng cũng đủ trang trải những chi phí cần thiết trong cuộc sống..." - bà Cúc chia sẻ.

Hiện xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) có 3 làng đan cói, bèo bồng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2006 và 2011, gồm Bình Hòa, Đức Hậu và Đồng Mới, thu hút gần 1000 lao động tham gia. Nghề này phù hợp với nhiều đối tượng, từ người già đến trẻ em, từ đàn ông đến phụ nữ đều có thể tham gia làm nghề, cho thu nhập nếu ít cũng từ 80-100 nghìn đồng/ngày, khéo tay và cần mẫn có thể kiếm 150-180 nghìn đồng/ngày. Ngoài những người chọn nghề đan bèo bồng, nhiều người chọn việc vớt bèo bồng, phơi khô bán cho người làm nghề, cũng cho thu nhập hàng trăm nghìn đồng/ngày. Từ nghề phụ này, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho từng gia đình mà còn gắn kết tính cộng đồng trong mỗi người dân về ý thức làng xã, tình nghĩa xóm giềng. Bởi khi làm nghề, thường có nhiều người, nhiều nhà trong xóm, trong làng tập trung nhau tại một gia đình hoặc nhà văn hóa thôn xóm, cùng chia sẻ với nhau cách làm, đan những sản phẩm mới, vừa làm nghề vừa trò chuyện về công việc nhà nông, về cuộc sống..., từ đó tình nghĩa xóm giềng thêm gắn bó.

Chị Nguyễn Thị Tỵ, chủ một cơ sở thu mua hàng thủ công mỹ nghệ cói và bèo bồng ở xã Khánh Hồng cho biết, mấy năm gần đây, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như bèo bồng được thị trường các nước Nhật Bản, Đức, Mỹ, Đan Mạch... ưa chuộng. Nguyên nhân là do, các sản phẩm này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn rất an toàn, bền, đẹp. Các sản phẩm được người nước ngoài yêu thích rất đa dạng và dễ làm, như: Thảm trải, giỏ đựng đồ, ghế ngồi, khay giấy, bình hoa, kệ bầy đồ trang trí... Kỹ thuật đan bèo bồng cũng không quá phức tạp, tập trung vào các kiểu đan cơ bản như đan mạng nhện, đan xương cá hoặc đan hạt gạo, xoắn quẩy... Theo các đơn hàng ký kết với doanh nghiệp, mỗi ngày cơ sở của chị Báu thu mua hàng nghìn sản phẩm làm từ bèo tây để về hoàn thiện, xuất bán. 

anh tin bai

Nghề đan bèo bồng được nhiều người dân xã Khánh Hồng (Yên Khánh) gắn bó nhiều năm nay.

Theo nhiều người làm nghề, nghề đan bèo bồng thường không đòi hỏi vốn ban đầu và các kỹ thuật đan cũng đơn giản, có thể học hỏi lẫn nhau. Người dân chỉ cần chịu khó đi thu hoạch bèo tại các kênh rạch, ao hồ đem về phơi khô là có nguyên liệu để làm nên sản phẩm. Các công đoạn học nghề cũng không quá phức tạp, chỉ cần khéo léo và để ý một chút là có thể tạo ra các sản phẩm từ bèo bồng. Hiện các sản phẩm làm từ bèo tây chủ yếu là túi, làn đựng đồ, các loại giỏ, thảm, chậu cây... và nhiều mẫu mã khó hơn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật cao như các loại bình, lẵng hoa, túi xách, dép... Với tay nghề trung bình, một người đan đều đặn, mỗi ngày cũng có thu nhập từ 100 - 150 nghìn đồng. Với những người cao tuổi thường không tự tìm kiếm được nguyên liệu, phải mua bèo khô bán sẵn cũng có thu nhập từ 40-50 nghìn đồng/ngày. Hiện số người và hộ gia đình làm nghề đan bèo bồng ở nhiều địa phương đang có xu hướng tăng lên, khẳng định hiệu quả việc duy trì và tạo điều kiện cho làng nghề truyền thống phát triển.

                                                                                                                             Nguồn tin :  CB VHTT xã Khánh Hồng

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập